Loại hình công ty cổ phần đại chúng có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán (gọi tắt là “công ty niêm yết”) là hình thức phát triển cao nhất của một công ty.
Sở dĩ nói như vậy bởi một công ty trở thành công ty niêm yết sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan nhà nước, trách nhiệm công bố thông tin minh bạch và về nguyên tắc có thể phát hành tất cả các loại chứng khoán để huy động vốn.
Thông thường, động lực chính để một công ty trở thành công ty niêm yết là khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên về mặt pháp lý khi một công ty trở thành công ty niêm yết còn có các lợi thế khác so với các công ty chưa niêm yết, người viết xin liệt kê một số lợi thế như sau:
1. Không bị chịu các hạn chế về thủ tục xin giấy phép đầu tư khi có cổ đông nước ngoài nắm giữ cổ phiếu
Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 (Luật Đầu tư) thì một công ty khi có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên thì công ty đó sẽ phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (gọi tắt là “giấy phép đầu tư”) nếu công ty đó đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC.
Tuy nhiên đối với trường hợp công ty niêm yết hoặc công ty đăng ký giao dịch trên sàn Upcom (sau đây gọi chung là “các công ty niêm yết”) thì sẽ rất khó xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể tại một thời điểm để biết được công ty khi thực hiện đầu tư có phải xin giấy phép đầu tư hay không, điều này vượt quá tầm kiểm soát của công ty, vì vậy trên thực tế dường như chưa có trường hợp nào các công ty niêm yết thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư như theo quy định của Luật Đầu tư.
Có vẻ như các cơ quan quản lý nhà nước hiểu được khó khăn này của các công ty niêm yết nên từ khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực chưa ghi nhận trường hợp nào các công ty niêm yết bị vướng mắc ở khâu xin cấp giấy phép đầu tư vì có cổ đông nước ngoài sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ, người viết cho rằng đây là một lợi thế của công ty niêm yết so với công ty chưa niêm yết.
2. Tạo thanh khoản cho tài sản thông qua nghiệp vụ chứng khoán hóa tài sản
Chứng khoán hóa tài sản là một kỹ thuật mà rất nhiều các doanh nghiệp bất động sản sử dụng để tạo thanh khoản cho tài sản. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản cần nguồn vốn rất lớn để thực hiện dự án, nguồn vốn doanh nghiệp tiếp cận có thể là nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn từ thị trường chứng khoán.
Khi doanh nghiệp không muốn tăng nợ vay trên sổ sách hoặc doanh nghiệp không thể vay thêm hoặc khó huy động được vốn từ phát hành cổ phiếu thì phương án chứng khoán hóa tài sản hiện có để huy động vốn có thể được sử dụng.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ bán tài sản cho các công ty trong hệ thống (các công ty dạng SPVs), các công ty SPVs này sẽ dùng chính tài sản này để đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng hoặc phát hành chứng khoán để huy động vốn trả cho doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu từ việc bán tài sản đồng thời ngân hàng/các chủ nợ khác có thêm nguồn thu từ lãi vay.
Về quy trình là như vậy tuy nhiên để huy động được vốn thì bản thân các công ty SPVs phải đủ uy tín hoặc đủ lớn để phát hành chứng khoán, trong nhiều trường hợp các SPVs này chính là các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vì lợi thế huy động vốn bằng các chương trình phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường.
3. Thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững
Khi một công ty có cổ phiếu được niêm yết tại sàn chứng khoán, công ty đó sẽ phải tuân thủ các chuẩn mực quản trị công ty theo quy định của luật doanh nghiệp và luật chứng khoán, các chuẩn mực này được xây dựng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty.
Trên thực tế ở các công ty chưa đại chúng thì mỗi khi phát sinh thủ tục hành chính, làm thủ tục với ngân hàng công ty mới được yêu cầu cung cấp các tài liệu pháp lý về quản trị nội bộ như điều lệ, biên bản và nghị quyết đại hội đồng cổ đông, biên bản và nghị quyết của hội đồng quản trị, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần/phần vốn góp… và lúc đó doanh nghiệp mới chuẩn bị mà hầu hết là theo hình thức đối phó cho xong, điều này rõ ràng làm cho doanh nghiệp không đảm bảo về mặt pháp lý khi có tranh chấp kiện tụng và yếu về quản trị vì mọi thứ không rõ ràng dẫn đến thiếu công bằng trong phân công lao động, thói quan liêu trong điều hành công ty….
Tuy nhiên, nếu công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì công ty buộc phải tổ chức và vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp bài bản và chịu sự giám sát của thị trường, của các cổ đông và của các cơ quan quản lý nhà nước. Các công ty niêm yết phải công bố thông tin theo quy định của luật chứng khoán về tình hình quản trị công ty, tuân thủ đầy đủ về trình tự thủ tục tổ chức đại hội cổ đông, công bố các nghị quyết về bổ nhiệm nhân sự cao cấp,… và hơn nữa là cổ phiếu của công ty được đăng ký lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán đây là sự ghi nhận quyền sở hữu chắc chắn hơn nhiều cho cổ đông so với hình thức các công ty chưa niêm yết cấp cho cổ đông giấy chứng nhận sở hữu cổ phần.
Như vậy, với việc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản trị công ty theo quy định của pháp luật thì rõ ràng hệ thống quản trị trong công ty niêm yết sẽ bền vững và ít rủi ro hơn các công ty chưa niêm yết.
Đoàn Tuấn Vũ – Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư Công ty TNHH Tư vấn quản lý TNT
Trả lời